Tin dự án

FECON: hoạt động KH&CN tiêu biểu và định hướng phát triển bền vững

  • 01.07.2012
  • |
  • 3173 (Lượt xem)
Từ khi thành lập đến nay, đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là một trong những chiến lược cốt lõi của FECON. Nhờ đó, nhiều công nghệ mới, hiện đại đã được nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng thành công, mang lại thương hiệu, uy tín cho FECON trên con đường trở thành một trong những công ty nền móng và công trình ngầm hàng đầu Việt Nam.

Được thành lập tháng 6.2004, đến nay, với quyết tâm đầu tư chiều sâu, luôn đi đầu trong ứng dụng các thành tựu KH&CN mới vào sản xuất, kinh doanh, Công ty Cổ phần kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON đã định vị được thương hiệu, uy tín với các chủ đầu tư, nhà thầu trong nước cũng như quốc tế trong lĩnh vực nền móng công trình, hướng tới mục tiêu trở thành một trong các công ty về nền móng và công trình ngầm hàng đầu Việt Nam. Với ba lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm:(1) Khảo sát địa chất, thí nghiệm nền móng và tư vấn địa kỹ thuật; (2) Thiết kế, sản xuất và thi công xử lý nền đất yếu; (3) Thiết kế, sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực và thi công cọc, FECON đã, đang và sẽ tiếp tục ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang đến hiệu quả cao về kinh tế – kỹ thuật cho khách hàng.

Hội thảo Quốc tế GEOTEC HANOI 2011  “Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững”,Tháng 10/2011

Với định hướng phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng phát triển sâu về KH&CN, tháng 3.2010, FECON đã thành lập Viện Nền móng công trình, tập hợp được đội ngũ cán bộ tâm huyết, tập trung vào nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới trong việc thiết kế và xử lý nền đất yếu. Các nhiệm vụ nghiên cứu do Phòng Nghiên cứu phát triển của Viện đảm nhận với cách thức hoạt động: Công ty đặt ra nhu cầu, Viện nghiên cứu, phản biện và triển khai. Viện kết hợp với Hội đồng khoa học nghiên cứu, đánh giá những vấn đề cụ thể, triển khai bàn bạc hướng giải quyết. Với 11 tiến sỹ và 15 thạc sỹ, Viện Nền móng công trình là nơi tập hợp và phát huy sức mạnh trí tuệ của FECON. Từ khi thành lập đến nay, Viện đã tham gia nghiên cứu và ứng dụng thành công một số công nghệ tiên tiến, sau đây là một số hoạt động điển hình:

Công nghệ xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cố kết chân không

Dựa trên nguyên lý cơ bản của phương pháp sử dụng áp lực chân không với áp suất cao, kết hợp với các biện pháp thoát nước thẳng đứng nhằm rút nhanh lượng nước ngậm trong đất để làm chặt đất yếu cần xử lý, đồng thời với kinh nghiệm học hỏi từ quốc tế, FECON đã áp dụng thành công và có hiệu quả công nghệ này vào điều kiện của nước ta.
Phương pháp này có nhiều ưu điểm nổi trội như: tiết kiệm chi phí khoảng 50% so với phương pháp cọc xi măng đất (CDM), rút ngắn thời gian thi công 50% so với phương phápgia tải truyền thống, không tác động đến môi trường do không sử dụng bất kỳ hóa chất hay phụ gia, giảm tới mức tối thiểu độ lún dư cũng như lún lệch sau khi xử lý, đồng thời phương pháp này áp dụng rất có hiệu quả với các vùng đất yếu nguồn gốc sông, biển, đầm lầy với chất lượng được kiểm soát chặt chẽ trong từng công đoạn thi công. Phương pháp này đã được áp dụng tại nhiều các công trình lớn, trọng điểm quốc gia như Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, Kho lạnh Thị Vải LPG, đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây và rất nhiều công trình khác…

Công nghệ cọc bê tông ly tâm dự ứng lực (PC/PHC)

Công nghệ sản xuất cọc bê tông cốt thép ly tâm dự ứng lực đã được phát triển và áp dụng rộng rãi trên thế giới từ những năm 90 do những ưu điểm vượt trội của chúng. Nguyên lý cơ bản của loại cọc này là sử dụng công nghệ quay ly tâm. Tại FECON, cọc bê tông cốt thép ly tâm dự ứng lực được sản xuất tại nhà máy với nguyên vật liệu đầu vào đảm bảo theo quy định, quy trình sản xuất chặt chẽ, cung cấp cho thị trường xây dựng loại cọc có độ bền và sức chịu tải cao. Nếu so sánh cọc bê tông ly tâm dự ứng lực (FECON Pile) với cọc bê tông cốt thép thông thường cùng sức chịu tải, thì cọc FECON pile tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào với giá thành rẻ hơn khoảng 15-20%. Ngoài ra, cọc được định hình và dưỡng hộ theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng tiêu chuẩn TCVN 7888:2008; JIS A 5335-1987, 5373-2004 (Nhật Bản).
Viện Nền móng công trình đã tham gia vào nghiên cứu cải tiến cấp phối bê tông đạt cường độ 960 kg/cm2, tham gia tích cực vào khâu chuyển giao công nghệ thi công cọc. Hiện nay, với 15 bộ máy ép cọc tự hành Robot có tải trọng ép từ 300 đến 800 tấn, 15 bộ máy cơ sở và búa diesel từ 3 đến 8 tấn, FECON đã đáp ứng phần lớn đầy đủ nhu cầu của thị trường. Các dự án FECON đã cung cấp và thi công cọc bê tông cốt thép ly tâm dự ứng lực có thể kể đến như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Brother 4, Nhà máy Honda 3, Nhà máy Pepsi…

Công nghệ xuyên tĩnh CPT-u, nén ngang DMT và các cải tiến liên tục

Thí nghiệm xuyên tĩnh CPT-u và thí nghiệm nén ngang DMT là các thí nghiệm hết sức quan trọng, cung cấp các thông số không thể thiếu cho công tác đánh giá nền đất cũng như thiết kế công trình. Tuy nhiên, cho đến nay, trang thiết bị phục vụ cho các thí nghiệm này tại Việt Nam đều đã xuống cấp hoặc không còn đáp ứng được điều kiện thí nghiệm cho các công trình lớn như hiện nay. Viện Nền móng công trình đã mạnh dạn nhập khẩu thiết bị thí nghiệm xuyên tĩnh tự hành của Hãng Geomil (Hà Lan) – nhà sản xuất máy xuyên tĩnh hàng đầu thế giới nhằm nâng cao chất lượng và độ tin cậy của kết quả thí nghiệm để giúp các nhà thiết kế, lựa chọn giải pháp nền móng tối ưu hơn.

Máy CPT-u với tải trọng xuyên 27 tấn, tự hành và đồng bộ trong suốt quá trình khảo sát, kết quả thí nghiệm nhanh với độ tin cậy và chính xác cao, dễ dàng xuyên qua các lớp đất có SPT (chỉ số xuyên tiêu chuẩn) lên đến 50. Ngoài ra, Viện còn có những kết quả nghiên cứu cải tiến điển hình có thể kể đến như: (1) Chế tạo máy đẩy mẫu thí nghiệm nhằm giúp đẩy nhanh quá trình lấy mẫu thí nghiệm và giảm nhân lực; (2) Ứng dụng sensors kết hợp thí nghiệm nén tĩnh cọc giúp phân định rõ ràng sức kháng đầu mũi và ma sát thành, giúp đánh giá chính xác khả năng làm việc của cọc và tiết kiệm chi phí cho công trình; (3) Tham gia thiết kế thành công móng cọc – nền làm việc đồng thời (Pile raft) và ứng dụng tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; (3) Thiết kế và áp dụng thành công phương pháp thí nghiệm nén tĩnh sử dụng cọc neo tại Vũng Tàu.

FECON_CPTu

Công trình ngầm và không gian ngầm

Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định vị thế trong lĩnh vực nền và móng tại Việt Nam, trong thời gian tới, nhằm đạt được sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, Viện Nền móng công trình kết hợp cùng FECON sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công trình ngầm – lĩnh vực được đánh giá sẽ có sự bùng nổ về nhu cầu do yêu cầu phát triển hạ tầng, không gian ngầm tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các dự án phát triển giao thông ngầm.Hiện tại, FECON và Viện Nền móng công trình đang chú trọng vào nghiên cứu các công nghệ thi công, công tác khảo sát, thiết kế, quan trắc đối với dạng công trình ngầm qua nền đất yếu – những lĩnh vực mà FECON đã có nhiều kinh nghiệm trong việc khảo sát thiết kế từ trước đến nay.  Để chuẩn bị lực lượng chuyên nghiệp trong thiết kế và thi công hầm và không gian ngầm, Công ty đã ký hợp tác với Học Viện công nghệ Châu Á (AIT) đào tạo 30 thạc sỹ thực hành địa kỹ thuật trong thời gian từ 2012 đến 2015. Khóa học đầu tiên có 8 học viên đã hoàn thành ½ chương trình. Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên cử cán bộ tham dự các hội thảo quốc tế, các công trình nước ngoài, các công ty đối tác nước ngoài về công trình ngầm để học tập kinh nghiệm. Bằng năng lực và quyết tâm của mình, chúng tôi tin tưởng rằng, không lâu nữa, các công trình ngầm tại Việt Nam sẽ được thiết kế và thi công bởi chính các kỹ sư Việt Nam.
Ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh từ khi thành lập đến nay luôn là một trong những chiến lược cốt lõi của FECON. Các công nghệ đã, đang và sẽ được áp dụng trong tương lai chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế – kỹ thuật lâu dài, góp phần vào sự phát triển của ngành xây dựng nói riêng và đất nước nói chung.
(Nguồn: bài viết được đăng trên Tạp chí Hoạt động Khoa học của Bô Khoa học và Công nghệ, số tháng 6.2012)

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *